SGS
Trang chủ / Tin tức và sự kiện / HIỂU MỘT BỘ RỄ MỚI CÓ THỂ TRỒNG ĐƯỢC MỘT KHU RỪNG

Tin tức và sự kiện HIỂU MỘT BỘ RỄ MỚI CÓ THỂ TRỒNG ĐƯỢC MỘT KHU RỪNG

HIỂU MỘT BỘ RỄ MỚI CÓ THỂ TRỒNG ĐƯỢC MỘT KHU RỪNG

HIỂU MỘT BỘ RỄ MỚI CÓ THỂ TRỒNG ĐƯỢC MỘT KHU RỪNG
 
Khi chuyện cháy rừng liên tiếp ở các tỉnh miền Trung dịu đi, người ta bắt đầu gọi nhau “trồng một cây”, thậm chí những phong trào kêu gọi ủng hộ tiền, quyên góp cây để tái tạo rừng bắt đầu ồn ào. Chính từ đây, phải nghĩ kỹ và hiểu sâu nhiều tầng nấc nữa về chuyện trồng rừng. Bởi đã có không ít con người chỉ nhìn thấy phần trên mặt đất để rồi ra quyết định đối xử với cây chỉ nhằm phục vụ lợi ích trước mắt của mình.
 
Tự nhiên vốn là một hệ thống hoàn hảo, cái cây mọc được ở chỗ nào đều có lý do cho sự tồn tại của nó ở đó. Hiểu được giải phẫu của thế giới thực vật, sẽ giúp hiểu được chính con người và văn hóa - xã hội của con người. Cũng vậy, hiểu được diễn tiến hình thành một khu rừng, sẽ hiểu tương lai xã hội con người đó đi tới đâu và thế nào.
 
GIẢI PHẪU MỘT CÁI CÂY: HÃY NHÌN BỘ RỄ
 
Rễ cây là một cơ quan sinh - dưỡng của thực vật, giúp cây bám vào lòng đất, rễ cây hút nước và các chất khoáng, hô hấp. Rễ cây còn là cơ quan dự trữ các chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp cytokinin - một dạng hormone tăng trưởng của thực vật để phát triển các chồi và cành cây.
 
Phần nhìn thấy: Xã hội của cây được phân bố tầng tán rất rõ trong không gian qua 9 tầng tán: 1) cây gỗ cao, 2) cây tầm trung, 3) cây bụi, 4) cây thân thảo, 5) cây phủ mặt đất, 6) cây lấy củ, 7) cây leo, 8) cây thủy sinh, 9) cây bám bề mặt (rêu).
 
Không phải vô cớ mà trong tự nhiên, thực vật phân bố theo kiểu tầng tán này. Mẹ thiên nhiên có những quy luật và nguyên tắc sáng suốt như vậy để tạo ra một “ngôi nhà” lý tưởng cho muôn loài, định sẵn việc cây nọ phải che chở cây kia, cây nọ nương vào cây kia theo mối quan hệ tương sinh hay tương khắc, bổ trợ hay loại trừ... trong nền tảng môi trường đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ...
 
Tất cả đều có một mục đích là tạo ngôi nhà chung cho muôn loài cây cối, chim thú, côn trùng... Và đó là đa dạng sinh học, là sự sống. Con người chỉ là một mắt xích rất nhỏ trong đó, và không phải là trung tâm vũ trụ.
 
Một nguyên tắc đã được các nhà nghiên cứu thực vật đưa ra khi nói về tương quan giữa bộ rễ và tán lá cây: đó là “trên sao dưới vậy”.
 
Phần không nhìn thấy: Rễ cọc (điển hình cho thực vật thuộc lớp 2 lá mầm) và rễ chùm (điển hình cho thực vật thuộc lớp 1 lá mầm). Cấu tạo rễ, cách hoạt động của rễ để nuôi cây, mối liên hệ/giao lưu giữa các bộ rễ để “sống” và giữ đất phản ánh rất rõ văn hóa của tự nhiên, và có thể lấy đó là một nguyên lý phóng chiếu vào văn hóa của con người trong xã hội.
 
VÒNG ĐỜI CỦA MỘT KHU RỪNG
 
Ta hãy bắt đầu với việc hiểu về “Diễn thế sinh thái” (Ecological Succession), một “quá trình biến đổi tuần tự của quần xã sinh vật qua các giai đoạn khác nhau, từ dạng (trạng thái) khởi đầu, được thay thế lần lượt qua các giai đoạn chuyển tiếp bởi các dạng quần xã tiếp theo, cuối cùng thường dẫn tới một quần xã tương đối ổn định, tồn tại lâu dài theo thời gian. Đó là trạng thái đỉnh cực (Climax). Diễn thế có thể kéo dài trong vài thập kỷ (trong trường hợp cháy rừng) cho đến hàng triệu năm (trong trường hợp xảy ra sự kiện tuyệt chủng)”.
 
Với kiến thức sinh học từ trường phổ thông cơ sở, ta cũng có thể hiểu được sự hình thành, vòng đời hay chu trình của một khu rừng, tác động con người và ngoại cảnh lên một khu rừng.
 
Hãy lấy ví dụ về “diễn thế thứ sinh” theo từng giai đoạn:
 
Một quần xã rừng rụng lá ổn định - Cháy rừng, phá hủy cả khu rừng (yếu tố ngoại cảnh tác động) - Đám cháy thiêu trụi hoàn toàn quần xã - Đám cháy tắt, để lại khoảng đất trống nhưng đất đai không bị phá hủy - Cỏ và các cây thân thảo mọc lại nhanh chóng - Bụi cây nhỏ và cây thân lùn bắt đầu phát triển - Cây thường xanh mọc nhanh, vươn cao để tỏa bóng râm, tạo điều kiện để cây ưa bóng phát triển - Cây thường xanh vốn không thể tồn tại dưới bóng râm của các cây rụng lá sẽ bị diệt vong nhanh chóng. Hệ sinh thái trở về trạng thái ban đầu, trước khi xảy ra vụ cháy rừng.
 
Nhưng để có một khu rừng ở mức độ “trưởng thành tự nhiên”, ta cần tới từ 50-150 năm. Để có một khu rừng đạt trạng thái “giàu có nhất”, ta cần tới 200-300 năm (tuỳ điều kiện khí hậu). Tới đây, ta sẽ hiểu hệ quả của việc con người hiện tại, với tốc độ khai thác chóng mặt, tận thu hết gỗ quý của những khu rừng già vài chục đến vài trăm năm, thay thế bằng những khu rừng siêu tốc, độc canh (keo, tràm...) chỉ cần 5-7 năm là khai thác trắng, bào mòn đất và phá hủy đa dạng sinh học.
Powered by nopCommerce